Bài viết phần 1 về Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật ở đây nếu bạn muốn xem lại:
Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật Phần 1
Chúng ta lại quay lại logic tại sao cổ phiếu tăng giá
(1) Được định giá, kì vọng giá cao hơn
(2) Thị trường chung có dòng tiền tăng lên. ( Dòng tiền ngoại, dòng tiền nội )
Chúng ta đã hiểu các cấu phần của Phân tích cơ bản sẽ bao gồm:
Phân tích vĩ mô -> Phân tích ngành kinh tế -> Phân tích doanh nghiệp --> 3 chữ cái.
Nếu coi người Phân tích cơ bản là một đầu bếp thì ông ấy sẽ là là người làm việc trong nhà hàng cao cấp.
Ông ấy có trong kho nguyên liệu đầu vào của mình vô vàn các thứ các thứ xịn xò từ các chỉ tiêu vĩ mô ( GDP, Lạm phát, Tỷ lệ thất nghiệp, Lãi suất, DXY, Tỷ giá... ) đến Báo cáo ngành, báo cáo tài chính...
Ông ấy có trên tay mình công cụ phân tích của Bloomberg, hệ thống báo cáo đắt đỏ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý tổng hợp từ các dữ liệu tức thời nhất.
Nhưng nếu ông ấy vác GDP và Lạm phát công bố hàng tháng hàng quý để phân tích và ra quyết định mua bán là toi luôn. Hoặc phân tích chục trang báo cáo tài chính thấy doanh nghiệp lợi nhuận quý này tăng trưởng tốt và quyết định mua bán cũng toi luôn.
Nguyên liệu xịn, công cụ xịn nhưng phân tích sai thì thua lỗ nó nặng nề hơn nhiều. Giống như việc bạn đi sai đường và phải đến vài chục km bạn mới nhận ra.
Vậy nhiều nguyên liệu hơn không chắc là tốt hơn mà cái cần thiết là hiểu sự liên kết giữa các nguyên liệu đó, cách kết hợp chúng như thế nào. GDP, Lạm phát, Lãi suất liên kết với nhau ntn, DXY, Cán cân thương mại, Tỷ giá liên kết với nhau ntn, Tỷ giá vs Lãi suất liên kết với nhau như thế nào...
Có nghĩa là ông ấy cần có kiến thức và kĩ năng cũng phải xịn để kết hợp nguyên liệu đó ra được một món ăn đạt tiêu chuẩn.
Thậm chí cũng cùng nguyên liệu đó, công cụ đó các chuyên gia còn đang lên đài báo phân tích mỗi người một kiểu, dự đoán mỗi người một kiểu mà.
Đôi khi những người phân tích cơ bản quá sa đà vào việc tổng hợp và thu thập dữ liệu mà cũng không biết rằng cái mục tiêu cuối cùng họ cần là gì.
- Là dòng tiền trên thị trường đang ở trạng thái nào.
- Là kì vọng tăng trưởng của doanh nghiệp ở trạng thái nào.
Chỉ khi nào họ kết luận được hai điều này thì mới có thể ứng dụng phân tích cơ bản vào đầu tư hoặc giao dịch. Còn không những thông tin bạn tổng hợp chỉ dùng để đi caphe, trà đá thôi.
Vậy so sánh sang ông đầu bếp dùng Phân tích Kỹ thuật một chút.
Ông đầu bếp này thì như kiểu chủ một quán ăn vỉa hè.
Nguyên liệu đầu vào của ông này thì ít chỉ có Giá, Khối lượng và Thời gian.
Công cụ thì cũng đa phần là thô sơ nhà nào cũng có, nhà nào cũng dùng.
Cách chế biến thì cũng có trường lớp nhưng đa phần là tự học. Do vậy mà đội ngũ đầu bếp này đông đảo và phổ thông hơn.
Cũng vì nhiều cách chế biến, mỗi một thế hệ đầu bếp kỹ thuật lại ra rất rất nhiều phương pháp chế biến khác nhau từ đơn giản đến phức tạp.
Nhưng đôi khi thiếu những nguyên lý cơ bản, thiếu những logic có tính lý luận cao khiến phân tích kỹ thuật mang tính chất ngắn hạn, thiếu nhất quán và hiệu quả không ổn định.
Nên sẽ có các thế hệ đầu bếp có khi mãi mãi không bao giờ nấu được món ăn nào ra hồn.
Bù lại với những người phân tích kỹ thuật thành công thì lợi thế lớn nhất của họ là :
- Yếu tố định tính ( sai rõ ràng, đúng rõ ràng),
- Sự chấp nhận vào xác suất chiến thắng
- Họ hiểu rằng họ nhận những gì thị trường cho họ, không kì vọng, không thất vọng.
- Phương pháp của họ có tính hệ thống hoá cao, có khả năng backtest rõ ràng và kĩ càng, dễ truyền thụ cho người khác nhưng yêu cầu tính kỷ luật cao đối với người áp dụng.
Tôi nghĩ qua hình ảnh này bạn cũng thấy tương đối sự khác biệt giữa Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật.
Ở Phần 3, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào thế giới của Phân tích kỹ thuật:
Vì sao có quá nhiều hệ thống mà tỷ lệ thành công lại thấp?
Những nguyên lý cốt lõi nào để tạo cho mình một phương pháp giao dịch riêng của bản thân?
Những điểm giao nhau giữa TA và FA có tồn tại?
Chúc bạn tìm thấy một lợi thế cá nhân nào đó trong giao dịch thông qua bài viết này !